Tin trong nước

null Hội nghị triển khai chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021

 

Sáng ngày 18/4/2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Đoàn Văn Tuấn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Cục Thú y, Hội Thú y Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y tỉnh các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh; đại diện của Tổ chức FAO, CDC và một số cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Tại bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh Việt Nam là nước tiên phong triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dại trong khu vực, đặc biệt là triển khai các hoạt động trong "Chiến lược ASEAN về loại trừ bệnh Dại". Mục đích của Hội nghị là để cập nhật tình hình bệnh Dại; thống nhất các giải pháp phòng chống bệnh Dại; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình nhằm khống chế và loại trừ bệnh Dại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì Hội nghị

Được sự ủy quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng chống dịch bệnh Dại và các giải pháp để có thể triển khai hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu cụ thể của chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 là:

- Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được Danh sách hộ nuôi chó.

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại đạt trên 85% tổng đàn chó tại các xã, phường, thị trấn.

- Trên 70% số tỉnh không có ca bệnh Dại trên chó trong 02 năm liên tiếp.

- Giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh Dại trên người;

- Giảm 60% số người tử vong do bệnh Dại ở người vào năm 2021 so với số ca mắc dại trung bình giai đoạn 2011-2015.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Để triển khai hiệu quả chương trình, đạt được các mục tiêu trên cần tập trung vào những giải pháp chính như:

  1. a) Chỉ đạo điều hành:

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật và người;

- Căn cứ các nội dung của Chương trình quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng: Các Bộ, ngành liên quan (Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan báo chí) tổ chức rà soát, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành các hoạt động cụ thể liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Dại để đạt kết quả cao;

  • Căn cứ các nội dung của Chương trình quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng, văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà sát, ban hành văn bản chỉ đạo điều hành các hoạt động cụ thể cho phù hợp với từng địa phương, nhằm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn của từng địa phương.
  1. b) Tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan

- Tập trung truyền thông đưa tin về tác hại của bệnh Dại như: Tình hình bệnh Dại hiện nay; tỷ lệ giám sát dương tính mầm bệnh; số người bị chó cắn và thiệt hại kinh tế; số người bị tử vong do không đi tiêm phòng vắc xin dự phòng; số người tử vong do đi chữa trị bằng thuốc Nam; tuyên truyền đề người dân không ăn thịt chó; đưa tin hình ảnh người bị lên cơn Dại để cảnh báo nhưng phải bảo đảm bí mật thông tin cá nhân;...;

Cục trưởng Phạm Văn Đông trình bày báo cáo tại Hội  nghị

- Cơ quan chuyên ngành: Thú y, Y tế xây dựng chương trình truyền thông với các nội dung cụ thể; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan khác để đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, học đường và khu dân cư;

- Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bệnh Dại, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, của chính quyền cơ sở và của cả cộng đồng “cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh Dại”. Cụ thể, chủ nuôi chó cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình,.... Nếu thả rông chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Chủ nuôi chó phải chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó nuôi. Nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của Chính phủ (Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều cho Nghị định 119/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5/2017, theo đó chủ vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng khi không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó nuôi) và bị cưỡng chế tiêm phòng;

- Hằng năm tổ chức mít tinh “Ngày thế giới phòng chống bệnh Dại” tại các tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại.

Cục trưởng Cục Thú y trả lời phỏng vấn của Truyền hình Việt Nam (VTV1)

  1. c) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch chủ động phòng chống bệnh Dại

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng kế hoạch giám sát chủ động, bản đồ dịch tễ lưu hành mầm bệnh, ổ dịch, đánh giá hiệu lực vắc xin,… để công khai trên các phương tiện truyền thông và thông tin cho các cơ quan liên quan; nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin Dại trong nước,...;

- Đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung vắc xin Dại vào Chương trình 30a để hỗ trợ các huyện nghèo (63 huyện nghèo/21 tỉnh), cho phép Cục Thú y dự phòng 500 ngàn liều vắc xin Dại để hỗ trợ địa phương tiêm phòng bao vây ổ dịch;

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về thực hiện tiêm phòng dại, quán lý chó nuôi,…;

- Hợp tác quốc tế: Đề nghị OIE, FAO, WHO, CDC, các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ vắc xin Dại để tiêm phòng cho động vật, hỗ trợ nghiên cứu sản xuất vắc xin Dại tại Việt Nam; tăng cường giám sát lưu hành mầm bệnh, điều tra ổ dịch; hỗ trợ Việt Nam xây dựng vùng ATDB đối với bệnh Dại,…;

- Hỗ trợ đẩy nhanh Chương trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin Dại cho chó, mèo trong nước;

- Phối hợp các Bộ, ngành và địa phương: Tăng cường truyền thông nguy cơ, tác hại của bệnh dại, giám sát lưu hành mầm bệnh, điều tra ổ dịch; xây dựng vùng ATDB đối với bệnh Dại;…

- Rà soát, tổng hợp kế hoạch chủ động phòng chống bệnh Dại trên động vật của các địa phương để công khai trên các phương tiện truyền thông;

- Nhân rộng mô hình quản lý chó nuôi và tiêm phòng vác xin cho chó đang thực hiện thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên;

- Thúc đẩy, khuyến khích các thành phố, thị xã, các huyện nơi có khu du lịch xây dựng vùng an toàn bệnh Dại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thu hút du khách tới du lịch, tham quan như huyện Phú Quốc (Kiên Giang), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng),… Tổ chức đánh giá và công nhận địa phương (xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố) không có bệnh Dại.

* Bộ Y tế:

- Xây dựng kế hoạch giám sát chủ động, lập bản đồ dịch tễ lưu hành mầm bệnh, ca bệnh trên người,… để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường nghiên cứu sản xuất vắc xin Dại, đánh giá hiệu lực vắc xin;…;

- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêm vắc xin, kháng huyết thanh miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như các cán bộ làm các công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin Dại cho chó;

- Bổ sung bệnh Dại vào bảo hiểm y tế: Tổ chức bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ nuôi chó đã chấp hành tiêm phòng cho chó trong trường hợp chó cắn người hoặc người bị chó cắn tử vong;

- Hợp tác quốc tế: Đề nghị WHO, CDC, các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, kháng huyết thanh; tiếp tục nghiên cứu sản xuất vắc xin; tăng cường giám sát lưu hành mầm bệnh, điều tra ổ dịch đối với bệnh Dại,…;

- Phối hợp các Bộ, ngành và địa phương: Tăng cường nghiên cứu sản xuất vắc xin, truyền thông nguy cơ, tác hại của bệnh Dại, giám sát lưu hành mầm bệnh, điều tra ổ dịch;

- Rà soát, tổng hợp kế hoạch chủ động phòng chống bệnh Dại trên người của các địa phương để công khai trên các phương tiện truyền thông;

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp: Thông tin về người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, người bị tử vong do bị chó cắn (chữa bệnh bằng thuốc nam, không điều trị dự phòng),…;

- Chỉ đạo, rà soát, quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hành nghề khám chữa bệnh: Nghiêm cấm việc sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh cho người bị chó cắn hoặc nghi chó dại cắn;

- Tăng cường hệ thống các điểm tiêm phòng vắc xin dại cho người bị chó cắn bảo đảm dễ tiếp cận, chi phí hợp lý cho điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm.

* Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị

* Bộ Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ưu tiên thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh Dại.

* Bộ Công an, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng:

Phối hợp với Bộ NN&PTNT xử lý và khống chế việc vận chuyển, buôn bán chó lậu qua biên giới.

* UBND các tỉnh, thành phố:

- Chỉ đạo quyết liệt tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt chú trọng các giải pháp sau đây:

+ Xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh Dại theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31/5/2016.

+ Tổ chức quản lý chó nuôi, bắt chó thả rông theo quy định.

+ Tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó.

+ Tổ chức xây dựng vùng an toàn bệnh Dại.

+ Tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch bệnh Dại.

+ Tổ chức phòng bệnh Dại cho người, hỗ trợ tiêm vắc xin điều trị sau phơi nhiễm bệnh Dại cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa và trẻ em dưới 06 tuổi trong vùng dịch.

+ Tổ chức tuyên truyền về bệnh Dại tại địa phương.

+ Huy động các nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình phòng, chống bệnh Dại.

+ Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, hỗ trợ ngành thú y và y tế trong công tác phòng chống bệnh Dại.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó cắn người.

- Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, tìm kiếm nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên địa bàn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn./.

Danh mục chính Menu

Liên kết website

Xuất bản thông tin