Nghệ An đề xuất xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện
Sở hữu tổng đàn gia súc lớn khiến nguy cơ mất an toàn dịch bệnh luôn hiển hiện, muốn kiểm soát tốt Nghệ An phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.
Tính chất cấp thiết
Ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và xây dựng vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) tại địa bàn Nghệ An, tỉnh có số lượng gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu cả nước.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong những năm gần đây nhưng ngành chăn nuôi địa phương vẫn duy trì mức tăng trưởng khá toàn diện: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 5,7%, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, ước đạt 48%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 279.322 tấn…
Tính đến tháng 10/2024, Nghệ An có tổng đàn trâu bò ước trên 800.000 con, tổng đàn lợn ước trên 1 triệu con, gia cầm trên 37 triệu con…, với thông số trên địa phương này có tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu cả nước. Có điều số lượng càng lớn nguy cơ càng cao, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam trên địa bàn Nghệ An cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát mạnh năm 2021, năm 2022 giảm nhẹ và tăng trở lại vào năm 2023. Đối với bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trâu bò, năm 2021 dịch bùng phát trên diện rộng, những năm kế tiếp giảm mạnh nhờ tiêm phòng vắc xin đạt hiệu quả cao. Trong khi các dịch bệnh khác xảy ra nhỏ lẻ, cơ bản được khống chế trong diện hẹp nên không gây ra quá nhiều thiệt hại cho người nuôi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xuất hiện một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngoài DTLCP, VDNC, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dại chó…, nhờ chủ động trong công tác tham mưu, chống dịch nên dịch bệnh cơ bản được xử lý kịp thời.
Diễn biến hiện tại đang trong tầm kiểm soát nhưng ngành chăn nuôi Nghệ An chưa thể quẳng gánh lo đi, điều này hoàn toàn có cơ sở nếu đánh giá tổng quan các yếu tố. Về nguyên nhân khách quan phải thừa nhận phương thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, thời tiết bất thường… là rào cản lớn.
Trong khi nguyên nhân chủ quan đầy rẫy (một số nơi còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh; công tác giám sát, chỉ đạo chống dịch chưa động bộ, một bộ phận người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển chưa thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5 không”, còn tình trạng vứt xác động vật ra môi trường xung quanh, qua đó làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, đội ngũ thú y tại một số huyện, xã mới được kiện toàn, chuyên môn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu…)
Dự báo thời gian tới các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của Nghệ An, nhất là bệnh DTLCP, dại, LMLM, VDNC, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống có thể gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi tỉnh này.
Dịch bệnh chuyển biến khó lường đã gây nên tâm lý ái ngại cho số đông. Nhằm hạn chế tối đa rủi ro, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô đã chủ động giảm đàn, một trong số đó là hộ ông Nguyễn Cảnh Hoàng, trú tại xóm 1, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Qua trao đổi, ông Hoàng thẳng thắn cho hay:
“Lúc đỉnh điểm gia đình tôi sở hữu tổng đàn lợn 400 - 500 con/năm, kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên diện rộng đã gây ra nhiều xáo trộn. Trang trại của tôi luôn chủ động tiêm phòng vacxin, kết hợp các phương án ứng phó khác nên cơ bản kiểm soát tốt, dù vậy khó lường hết các nguy cơ ngoại cảnh xâm nhập. Suy đi tính lại việc giảm đàn là phương án tối ưu nhất, hiện chỉ duy trì trên dưới 200 con thôi”.
Để nâng tầm ngành chăn nuôi, trên hết là xóa bỏ tâm lý âu lo của các chủ thể trực tiếp tham gia đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải xây dựng kế hoạch bài bản, dài hơi để tháo gỡ những thút thắt dai dẳng
Phải đặt quyền lợi của người dân, doanh nghiệp lên trên
Bàn về giải pháp, ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An chia sẻ: “Nghệ An là tỉnh có số lượng gia súc lớn của cả nước, nếu chỉ tiêu thụ trong nước cung vượt quá cầu. Theo định hướng của Chính phủ và Bộ NN-PTNT về xuất khẩu sản phẩm động vật qua nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, trước mắt tỉnh Nghệ An đã đăng kí, xây dựng vùng ATDB tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM), đây là 2 địa phương có đàn bò sữa lớn.
Nguồn lực để hoàn thiện không nhỏ, đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng làm. Song song với đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đầu tư các trang thiết bị hiện đại, áp dụng quy trình công nghệ cao để nâng cao giá trị kinh tế và phòng bệnh hiệu quả”.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định chủ trương xây dựng vùng ATDB LMLM có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vùng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao trên địa bàn và hướng đến xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài hơi, để hoàn thành không thể chỉ trong 1 sớm 1 chiều. Trước mắt phải phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tháo gỡ từng bước.
Nắm bắt ý kiến tổng quan từ các bên liên quan, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: “Nghệ An là tỉnh có tiềm năng về chăn nuôi, riêng đàn trâu bò chiếm khoảng 1/10 cả nước, ngoài ra còn có chợ Ú, điểm trung chuyển lớn nhất toàn quốc. Ngược lại cũng tăng cao nguy cơ về dịch bệnh, do đó xây được vùng an toàn dịch bệnh rất khó. Dễ người dân và doanh nghiệp đã làm rồi, khó mới cần họp bàn để tháo gỡ. Quá trình triển khai xác định lấy quyền lợi của người dân, doanh nghiệp làm gốc. Nếu chúng ra đồng lòng, quyết tâm sẽ làm được”.
Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, đây là chủ trương lớn, để tạo đà thuận lợi đòi hỏi các bên liên quan phải cùng xắn tay vào việc, phải thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao. Trước tiên, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể dựa trên những thông số sát sườn, chi tiết mới có cơ sở tiến tới các bước tiếp theo.
Hiện, khu vực Bắc Trung bộ có 278 cơ sở ATDB, 2 vùng ATDB cấp xã tại Quảng Bình đối với bệnh dại và bệnh dịch tả lợn cổ điển, riêng vùng ATDB cấp huyện chưa có. Nếu Nghệ An xây dựng thành công sẽ là bước đột phá lớn của tỉnh này.
Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin. Đây là cột mốc quan trọng mở ra cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm chăn nuôi, đồng thời có thị hiếu sử dụng thịt tươi, thịt mát tương tự Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn