Hợp tác quốc tế

null Đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà

Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng, dịch bệnh được kiểm soát

Vào cuối tháng 12/2003, dịch cúm gia cầm thể độc lực cao H5N1 đã bùng phát tại Việt Nam gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi gia cầm nước ta. Năm 2004, chúng ta đã phải tiêu hủy trên 45 triệu con gia cầm và tiếp theo liên tục xuất hiện các đợt dịch cúm gia cầm lớn, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì cuộc họp tổ chức triển khai “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”

Nguy hiểm nhất là dịch cúm gia cầm thể độc lực cao H5N1 đã lây nhiễm từ gia cầm sang người và gây tử vong nhiều người. Tính từ tháng 12/2003 tới tháng 2/2012, tại Việt Nam đã có 123 người bị nhiễm cúm gia cầm thể độc lực cao và đã có 61 người tử vong. Từ năm 2013 đến nay, do chúng ta tổ chức tốt công tác chủ động phòng, chống dịch, không chạy theo dịch và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số lượng ổ dịch, số gia cầm chết và phải tiêu hủy chỉ còn rất ít so với những năm trước đây. Cụ thể: Trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước chỉ ghi nhận có 14 ổ dịch, với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 20.000 con, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Do vậy, đàn gia cầm đã tăng nhanh, hiện có khoảng 350 triệu con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt trong vài năm qua, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào ở người bị lây nhiễm cúm gia cầm thể độc lực cao.  

Hội nhập quốc tế- cơ hội cho chăn nuôi gia cầm

Hiện nay, nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, do vậy việc buôn bán động vật và sản phẩm động vật giữa các nước ngày càng gia tăng. Nhiều nước trên thế giới có ngành chăn nuôi gà công nghiệp rất phát triển như Hoa Kỳ, Braxin, các nước châu Âu,… Mặt khác, người tiêu dùng các nước lại rất ưa chuộng thịt ức gà (lườn gà) và có giá cả rất cao, thịt đùi, cánh gà lại có giá cả rất rẻ. Ngược lại, người tiêu dùng nước ta lại ưa chuộng thịt đùi và cánh gà. Do vậy, sản phẩm thịt đùi và cánh gà được nhập khẩu vào nước ta ngày càng tăng, làm ngành chăn nuôi gà trong nước phải đối mặt nhiều khó khăn. Để tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, tăng cao giá trị gia tăng cho người chăn nuôi, chúng ta phải tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm giá thành chăn nuôi, chủ động tạo ra con giống tốt, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thịt gà từ Việt Nam sang các nước.

Quyết tâm chiếm lĩnh thị trường

Từ tháng 10/2015, Bộ NN- PTNT đã thành lập tổ công tác xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gia cầm và giao cho Cục Thú y chủ trì tổ chức thực hiện. Ngay sau đó, Cục Thú y đã tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà có nhu cầu xuất khẩu sang các nước.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ Công ty TNHH Koyu & Unitek

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Công ty TNHH Koyu & Unitek có nhu cầu xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản; hiện tại Công ty đang xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2017. Sau khi nhà máy hoàn thiện và đi vào hoạt động chính thức, Cục Thú y sẽ mời Cục Thú y Nhật Bản sang kiểm tra chuỗi sản xuất thịt gà chế biến. Thời gian qua, Cục Thú y đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản để tìm hiểu về các yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt gà xuất khẩu. Tháng 7/2016, Cục Thú y đã chủ động thành lập đoàn công tác sang Nhật bản đàm phán với Cục Thú y Nhật Bản (Bộ Nông nghiệp, Lâm Nghiệp và Ngư nghiệp) và Cục An toàn thực phẩm Nhật Bản (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi) để thống nhất các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với việc xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Mặt khác, Cục Thú y đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có liên quan, Công ty TNHH Koyu & Unitek để xây dựng “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”. Cụ thể ngày 26/10/2016 vừa qua, Bộ NN- PTNT đã ban hành Quyết định số 4377/QĐ-BNN-TY về việc phê duyệt “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”. Để chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”, tiếp theo đến ngày 28/10 Bộ NN- PTNT cùng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận cụ thể để tổ chức thực hiện kế hoạch xuất khẩu thịt gà chế biến. Tại đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nêu rõ quyết tâm và mong muốn của Bộ sẽ hỗ trợ tích cực các địa phương và các doanh nghiệp phát triển sản xuất để xuất khẩu được thịt gà, trước mắt là xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Lãnh đạo tỉnh, Sở NN- PTNT, các huyện của tỉnh Đồng Nai đã báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất, chăn nuôi gia cầm, dịch bệnh gia cầm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia cầm của tỉnh Đồng Nai. Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek rất phấn khởi về việc Bộ NN- PTNT đã ban hành kịp thời “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”, đồng thời cam kết sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà vào tháng 2/2017 và bảo đảm các yêu cầu của phía Nhật Bản. Tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp đã thống nhất cao với các nội dung và quyết tâm, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Tại cuộc họp trên, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek đã ký thỏa thuận hỗ trợ của Cục Thú y Việt Nam đối với Công ty TNHH Koyu & Unitek để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xuất khẩu thịt gà. Cục trưởng Cục Thú y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch xuất khẩu thịt gà, bước đầu tổ chức triển khai với tỉnh Đồng Nai và Công ty Koyu & Unitek, sau đó tiếp tục mở rộng tổ chức triển khai với các địa phương và các doanh nghiệp khác có nhu cầu, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các nước. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư, phối hợp với các doanh nghiệp liên quan để xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà khép kín (từ cơ sở sản xuất thức ăn, sản xuất gà giống, chăn nuôi gà thịt và giết mổ, chế biến để xuất khẩu), nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đồng thời phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, tăng cao giá trị gia tăng cho người chăn nuôi

Nguồn: baonongnghiep.vn

=

Liên kết website

Xuất bản thông tin