Việt Nam huy động nguồn lực quốc tế to lớn nâng tầm ngành thú y
Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, các tổ chức quốc tế quan tâm, tìm hiểu để hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, tài chính nâng tầm ngành Thú y Việt Nam.
Ngày 23/6, Bộ NN-PTNT phối hợp với FAO tổ chức Hội thảo tham vấn để khởi động “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030” (Quyết định 414/QĐ-TTg).
Trước sự kiện này, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (Bộ NN-PTNT) về các vấn đề liên quan và cơ hội của ngành Thú y nước ta với hội thảo này.
Thưa ông, lý do gì để Bộ NN-PTNT, Cục Thú y phối hợp với FAO thực hiện hội thảo ngày 23/6 tới?
Hiện nay, ngành Thú y đã có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhưng cái những lợi ích đem lại chưa được nhiều.
Chính vì thế, để đảm bảo triển khai đạt mục tiêu cũng như các kết quả mong đợi của đề án của Thủ tướng phê duyệt, Cục Thú y phối hợp với tổ chức FAO tại Việt Nam, báo cáo Bộ NN-PTNT cũng như tham mưu, phối hợp tổ chức Hội nghị tư vấn quốc tế.
Trong đó, mời tất cả các nhà tài trợ và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật có liên quan của các tổ chức quốc tế, ví dụ như FAO, bao gồm cả đại diện từ trụ sở chính tại Rome (Italy), đại diện Tổ chức Thú y thế giới và đại diện của các tổ chức có hoạt động liên quan đến quản lý động vật, liên quan đến thú y.
Đặc biệt là sự có mặt của tất cả các nhà tài trợ tiềm năng của các tổ chức tín dụng trên thế giới như WB, IMF, ADB, JICA, KOICA, USAID… và đại diện các đại sứ quán của các nước có quan hệ tốt về thú y với Việt Nam.
Vậy mục tiêu của hội thảo lần này là gì, thưa ông?
Mục tiêu đầu tiên là chia sẻ thực trạng và các kết quả của công tác chú ý đến giai đoạn hiện nay.
Thứ hai là chia sẻ đề án ngành thú y Việt Nam, thứ ba là cập nhật những kết quả đã làm được, thứ tư là dự kiến sẽ và đang triển khai từ nay đến năm 2030.
Mục tiêu thứ năm là thông báo thời gian tới thú y Việt Nam sẽ định làm cái gì và các tổ chức quốc tế sẽ có thể tham gia hỗ trợ những gì, có thể là về kỹ thuật, về chuyên gia hoặc là kể cả về tài chính thì tùy theo cái mối quan tâm họ.
Bên cạnh đó, có 10 nhóm vấn đề chính trong Đề án của Thủ tướng có nêu ra mà mình cũng đề nghị quốc tế hỗ trợ. Nhóm đầu tiên là cùng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thú y, Luật Thú y và các văn bản dưới luật.
Để xem thực tiễn thay đổi như vậy hệ thống pháp luật Việt Nam đã phù hợp, tương xứng, đáp ứng với điều kiện thực tiễn và hội nhập quốc tế chưa, đó là điều quan trọng nhất.
Trong đó, có nhấn mạnh hai điều, thứ nhất là rà soát Luật Thú y sau 10 năm thực hiện có cái gì tốt, cái gì không tốt và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Thứ hai là hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng thí nghiệm, chẩn đoán, xét nghiệm là đóng vai trò rất quan trọng, các tổ chức này sẽ giúp xây dựng các quy định, nghị định của Chính phủ về quản lý phòng thí nghiệm để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ về các mầm bệnh từ phòng thí nghiệm lan ra.
Nhóm thứ hai là kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp nhất là cấp tỉnh và cấp huyện theo đúng quy định tại Điều 6 Luật Thú y.
Cách triển khai là vừa kiện toàn, vừa tăng cường nặng lực, chỗ nào năng lực yếu sẽ tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực.
Nguyên nhân là do sau khi thay đổi, sáp nhập nhiều nhân sự đã nghỉ, nên cần có chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng mới vào.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là nguy cơ dịch bệnh thì ngay cả các đơn vị của Cục Thú y cũng phải được rà soát, tăng cường năng lực như năng lực giám sát, năng lực phòng thí nghiệm…
Trong đó, không chỉ tập trung vào phòng, chống dịch bệnh mà còn cả vấn đề kháng thuốc, vì đây là một nội dung rất là quan trọng cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vậy thông qua sự kiện này, ngành nông nghiệp nói chung và ngành thú y Việt Nam nói riêng kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ thế nào từ các tổ chức quốc tế với các chương trình mà chúng ta đang tham gia?
Qua sự kiện này, chúng ta sẽ chia sẻ cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là năng lực hiện tại của ngành thú y Việt Nam, những vấn đề ngành thú y Việt Nam đang đối diện và cần giải quyết trong tương lai.
Thứ hai là chia sẻ với cộng đồng thế giới rằng, do vai trò của ngành thú y quan trọng như thế nên Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng, đã có nhiều văn bản, trong đó có Quyết định 44 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực ngành thú y của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ ba là đề nghị các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Từ đó chúng ta sẽ đưa ra một loạt các giải pháp, trong đó phần lớn sẽ là do Việt Nam tham gia tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, cũng có những giải pháp cần đến sự chung tay, đồng lòng của các tổ chức quốc tế.
Ví dụ như để kiểm soát được các loại bệnh nguy hiểm, các loại bệnh lây sang người. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những văn bản, kế hoạch triển khai nhưng với các dịch bệnh này không chỉ mỗi ngành thú y và cần sự vào cuộc của cả ngành y tế, các ngành khách cũng như sự đồng lòng, hỗ trợ từ phía quốc tế.
Vấn đề lớn là kháng kháng sinh, nhức nhối không chỉ tại Việt Nam mà còn với các nước nên cần được cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm.
Thêm một vấn đến nữa là đảm bảo an toàn dịch bênh, an toàn thực phẩm để chúng ta phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế.
Với những kỳ vọng trên, chúng ta sẽ đề nghị thế nào với các tổ chức quốc tế, thưa ông?
Thứ nhất là sau khi hiểu được mong muốn, kế hoạch của Việt Nam, các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật như chia sẻ kinh nghiệm, cử chuyên gia sang Việt Nam hoặc tạo điều kiện để Việt Nam có thể thuê các chuyên gia chất lượng cao của họ.
Hỗ trợ thứ hai là dựa vào thứ tự những vấn đề ưu tiên mà Việt Nam đã liệt kê ra để hỗ trợ cho phù hợp, có thể ngoài vấn đề kỹ thuật còn là kinh phí để triển khai thực hiện.
Ví dụ như việc kiểm soát bệnh cúm gia cầm, bệnh dại đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Hoa Kỳ thông qua USAID, CDC… về cả kỹ thuật lẫn tài chính.
Không chỉ những bệnh có thể lây sang người mà các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thương mại cũng như ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi cũng nhận được sự quan tâm lớn.
Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi, không chỉ FAO hay Tổ chức Thú y thế giới mà Bộ Nông nghiệp cùng Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao, giúp đỡ Việt Nam về khoa học, kỹ thuật để sản xuất ra vacxin.
Ngoài ra, quá trình kiểm soát vấn đề kháng kháng sinh tại việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nguy cơ rất lớn nếu không được kiểm soát tốt, không chỉ ảnh hướng đến an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước mà còn gây hậu quả đối với các thị trường xuất khẩu.
Vậy ngành Thú y Việt Nam có đưa ra những kiến nghị, đề xuất, sáng kiến, thông điệp cụ thể gì với ngành thú y thế giới nhân hội nghị này không thưa ông?
Tháng 5/2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam dự Hội nghị của Đại hội đồng Tổ chức Thú y thế giới lần thứ 90. Tại đây, Thứ trưởng có bài phát biểu khai mạc, đồng thời có cuộc họp song phương với Tổng giám đốc và các ban của tổ chức này.
Sau đó, 2 bên đã ký kết biên bản về hợp tác, hỗ trợ của Tổ chức Thú y thế giới cho Việt Nam trong lĩnh vực thú y bao gồm 11 điểm khác nhau từ phòng, chống dịch bệnh, kháng thuốc, nghiên cứu sản xuất vacxin… rất đầy đủ.
Từ đó, thông qua hội nghị ngày 26/5 tới, Việt Nam sẽ cho thấy việc hợp tác chặt chẽ giữa thú y trong nước và Tổ chức Thú y thế giới cũng như các tổ chức quốc tế khác, thông qua cả hệ thống văn bản và các chương trình hợp tác.
Với nhiều đối tác quốc tế tham gia, hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện sự cởi mở trong hợp tác thú y, bên cạnh đó chúng ta cũng rất trách nhiệm trong việc cùng cộng đồng thế giới để kiểm soát, phòng, trừ dịch bệnh hay chia sẻ thông tin.
Qua đó, các tổ chức quốc tế sẽ hiểu rõ hơn về những gì chúng ta đã làm được, đang còn vướng mắc và ưu tiên những gì để có phương án hỗ trợ thích hợp, cả về kỹ thuật lẫn kinh phí.
Theo tôi, đây là một hội nghị đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc của Việt Nam trong lĩnh vực thú y toàn cầu. Việc FAO đồng tổ chức sự kiện này cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của quốc tế đối với thú y Việt Nam.
Quay lại vấn đề phát triển chăn nuôi, hiện nay để có được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là điều không đơn giản, xin ông đánh giá về khả năng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để Việt Nam xây dựng được những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới?
Chắc chắn các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Thú y thế giới, FAO và một số quốc gia đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác, giúp Việt Nam xây dựng thành công các vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, không chỉ phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam, mà còn phù hợp theo tiêu chuẩn của thế giới. Mục tiêu của chúng ta là không chỉ bán các sản phẩm chăn nuôi cho người tiêu dùng trong nước mà phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời gian vừa qua, mặc dù chăn nuôi của Việt Nam có tổng đàn rất lớn nhưng tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam không phải là quốc gia an toàn dịch bệnh, còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm, kể cả những dịch bệnh lây sang người.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, dẫn đến xuất khẩu còn gặp khó khăn, chủ yếu xuất khẩu được một số sản phẩm đã qua chế biến hoặc cùng lắm là trứng gà tươi, còn những sản phẩm tươi đông lạnh khác vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Nguyên nhân là do những lo ngại liên quan đến an toàn dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm hay khó khăn trong truy xuất nguồn gốc.
Do đó, trong hội nghị này, chúng ta cần chia sẻ khó khăn, thực tế mà Việt Nam đang gặp phải và những mong muốn được hỗ trợ trong thời gian tới.
Mục tiêu của ngành Thú y Việt Nam là đến năm 2025 sẽ xây dựng được các vùng chăn nuôi lợn, gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới, từ đó yên tâm, tự tin xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn