Asset Publisher

null Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Bình.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Bình.

Tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Theo Cục Thú y, trong những năm qua, Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Kết quả, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, Newcatle, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát tốt.

Cả nước có 3.940 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận tại 57 tỉnh/thành phố.

Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu động vật cần tuân thủ quy định quốc tế về an toàn dịch bệnh. Theo quy định của WOAH/OIE và các nước nhập khẩu, sản phẩm động vật xuất khẩu phải có nguồn gốc từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, Cục Thú y đang xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, một trong các biện pháp để đạt được an toàn dịch bệnh là tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi. Tuy nhiên, một số nước nhập khẩu không cho phép sử dụng vacxin phòng bệnh.

“Ví dụ, EU không cho phép dụng vacxin phòng Lở mồm long móng, Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng vacxin Cúm gia cầm và Newcatle trên đàn gia cầm giống, không được phép sử dụng vacxin cho đàn gia cầm thịt....

Việc đáp ứng yêu cầu không tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm thịt có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh”, ông Long thông tin.

Mặc dù lực lượng thú y tại tất cả địa phương đã kiểm soát rất khắt khe tình hình dịch bệnh nhưng một số dịch bệnh quan trọng ở gia súc, gia cầm vẫn thỉnh thoảng xảy ra.

Trong đó có các bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến ở hầu hết các địa phương, với tỉ lệ cao nên nguy cơ phân tán bệnh rất lớn.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trần Trung.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lưc quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”.

Đông Nam bộ là khu vực được coi là "thủ phủ" chăn nuôi của của nước. Mục tiêu, đến năm 2025 tại khu vực Đông Nam bộ sẽ có 11 vùng, năm 2030 sẽ có 19 vùng an toàn dịch bệnh đối với các bệnh cúm gia cầm và Newcatle cấp huyện theo quy định của OIE/WOAH.

Đối với gia súc, đến năm 2025, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi tại 4 huyện gồm thị xã Chơn Thành (Bình Phước), huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên (Bình Dương), đến năm 2030 thêm 4 huyện gồm Đồng Phú, Đồng Xoài, Bù Đăng, Hớn Quản (Bình Phước) cùng huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Tỉnh Bình Dương và Bình Phước hoàn thành xây dựng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tai xanh vào năm 2030.

Từ năm 2030 trở đi, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh không áp dụng biện pháp tiêm phòng vacxin phòng các bệnh nêu trên.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang đầu tư các công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu khắt khe của các nước. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang đầu tư các công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu khắt khe của các nước. Ảnh: Trần Trung.

Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030, các địa phương cần xác định vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và yêu cầu của WOAH.

Thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của WOAH.

Hướng dẫn, quản lý chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y…

Xuất khẩu động vật đang chuyển biến tích cực

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang dần được phổ biến, nhân rộng.

Chính nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ.

“Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung công nghệ, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm”, ông Minh đánh giá.

Những năm gần đây, hàng loạt những “đại bàng” là doanh nghiệp lớn như Công ty C.P. Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Dabaco, Công ty GreenFeed... chọn Việt Nam để “làm tổ”.

Với sự hình thành, đầu tư của những doanh nghiệp này đã góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cho chăn nuôi Việt Nam trong tương lai.

Điều này tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong những năm qua. Nhờ đó, xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản các năm vừa qua đã có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Lê Bình.

Xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp từ mức 48,70 tỷ USD năm 2021 tăng lên mức kỷ lục 53,22 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD.

Trong đó, tổng sản lượng sản phẩm động vật xuất khẩu tăng 1,7% so với năm 2022, các sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng là sữa và sản phẩm sữa, thịt gà chế biến, thịt lợn đông lạnh.

Đối với sản phẩm mật ong, mặc dù có giảm nhẹ nhưng về tổng thể vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất.

Năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn. Trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn. Sản lượng sữa tươi đạt 1,17 triệu tấn, trứng gia cầm đạt 19,2 tỷ quả.

Sau nhiều năm tái cơ cấu thì chăn nuôi nền tảng được đánh giá rất tốt. Tại nhiều địa phương, đã có hệ thống các doanh nghiệp lớn bắt tay cùng các hợp tác xã, bà con nông dân xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, tạo nên hệ sinh thái phát triển chăn nuôi bền vững.

Việt Nam cũng xuất khẩu gà đi Nhật Bản, Hồng Kông và trứng, thịt sang các nước Á - Âu và rất nhiều sản phẩm về yến, trong đó hạt nhân ở vùng Đông Nam bộ.

“Tuy nhiên, còn những tồn tại, khó khăn mà chúng ta phải tháo gỡ, đó là xuất khẩu còn rất hạn chế. Để phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn của chăn nuôi chúng ta phải hướng đến xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vấn đề hiện nay chúng ta cần tổ chức triển khai, trong đó xây dựng vùng an toàn dịch bệnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài ổn định thì còn rất nhiều khó khăn. Theo đó, quá trình đàm phán điều kiện nhập khẩu, các tiêu chuẩn, chỉ tiêu giám sát an toàn thực phẩm của các nước khắt khe hơn so với tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nước thường yêu cầu Việt Nam phải có chương trình quốc gia giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đề nghị xuất khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp như Tập đoàn De Hues và CVP Food Bình Phước đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản thương mại mà các nước đưa ra.

Điều này giúp việc xuất khẩu các sản phẩm động vật có tiềm năng của Việt Nam sang thị trường các nước được bền vững hơn, đặc biệt là các nước Hồi giáo.

Ngành chăn nuôi đang tập trung đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Halal đầy tiềm năng. Ảnh: LB.

Ngành chăn nuôi đang tập trung đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Halal đầy tiềm năng. Ảnh: LB.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để khơi thông xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật trong bối cảnh Việt Nam chưa phải là quốc gia an toàn dịch bệnh thì xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH là yếu tốt tiên quyết.

“Song song đó, khi đã có vùng an toàn dịch bệnh rồi thì cần xây dựng được chuỗi cơ sở đảm bảo từ con giống, thức ăn nuôi, giết mổ, chế biến phải tuân thủ theo các yêu cầu về đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm”, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.

Nguồn:nongnghiep.vn