Tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về Kháng kháng sinh tại Việt Nam
Asset Publisher
null
Tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về Kháng kháng sinh tại Việt Nam
Tiến Quang Nguyễn
Modified 1 Year ago.
Ngày 6/10/2023 tại Hà Nội, Cục Thú Y phối hợp với Tổ chức FHI360 đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về Kháng kháng sinh tại Việt Nam”. Hưởng ứng “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 25/9/2023, Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác đa ngành trong nông nghiệp và y tế; tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu trong công tác quản lý, xây dựng chính sách về Kháng kháng sinh, và đặt ra những ưu tiên trong đào tạo về Kháng kháng sinh theo cách tiếp cận Một Sức khỏe trong thời kỳ mới.
Tham dự Hội thảo có hơn 30 đại biểu đến từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Mạng lưới Một Sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN), Viện Thú y, Đại hoc Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Phenikka, Bệnh viện Thanh nhàn, Viện Dinh dưỡng và các tổ chức quốc tế như FAO, USAID, PATH, ILRI, Woolcock …
Ảnh chụp toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y trong phát biểu khai mai Hội thảo đã nhấn mạnh: “Kháng kháng sinh hiện là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, đe dọa y học hiện đại. Nếu không có những hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề này, tình trạng kháng kháng sinh có thể sẽ dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050 cũng như thiệt hại kinh tế tích lũy 100 nghìn tỷ USD [1]. Năm 2019, ước tính có khoảng 1,27 triệu ca tử vong do vi khuẩn kháng kháng sinh [2]. Sự kháng thuốc trên vi sinh vật xảy ra một cách tự nhiên nhưng được khuếch đại do việc sử dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp, cũng như tồn dư kháng sinh trong môi trường. Từ năm 2000 đến năm 2010, mức tiêu thụ kháng sinh trên toàn thế giới đã tăng 35%, đặc biệt là ở các nước thu nhập trung bình [3]”.
Ngày 25 tháng 9 năm 2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kí phê duyêt “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình hình kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển [4].
Để đạt được mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu trong nước và nước ngoài, và sự đóng góp vô cùng quan trọng của trường đại học, các bệnh viện và tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, sức khỏe con người.
Tuy nhiên, việc đào tạo và nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kháng sinh, sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, điều trị, phòng bệnh nhiễm trùng mới còn nhiều hạn chế và chưa được đặt trọng tâm trong chương trình của các cơ sở đào tạo, định hướng của các viện nghiên cứu. Từ đó, thiếu đi đội ngũ nhân lực chất lượng cao và những kết quả nghiên cứu quan trọng gắn liền chính sách pháp luật và hỗ trợ công tác phòng, chống kháng thuốc của các cơ quan quản lý.
PGS. TS. Nguyễn Vũ Trung (Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM) chia sẻ “Đổi mới đào tạo trong khối ngành sức khỏe về Kháng kháng sinh”
Tại Hội thảo, các đại biểu tích cực thảo luận và đã đưa ra những khuyến nghị nhằm xác định những ưu tiên để tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực kháng kháng sinh, trong đó tập trung vào: 1) Xây dựng hệ thống dữ liệu liên ngành trong quản lý, tổng hợp kết quả nghiên cứu về Kháng kháng sinh, hướng tới phục vụ công tác quản lý của các cơ quan chức năng, 2) Chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học và cập nhật giáo trình gắn liền với các quy định của pháp luật, 3) Định hướng xây dựng Diễn đàn kỹ thuật về Kháng kháng sinh gắn kết các ngành theo cách tiếp cận Một sức khỏe, 4) Nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh.