Asset Publisher

null Chi cục Thú y vùng VII

Địa chỉ:
Số 88, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
Điện thoại:
0292.3820203
Fax:
0292.3823386
Email:
chicucthuyvung7.raho7@gmail.com

I. Lịch sử hình thành và phát triển

- Năm 1978, Cục Thú y thành lập Trạm Thú y III có trụ sở tại số 4, đường Lê Thánh Tôn, TP. Cần Thơ thuộc tỉnh Hậu Giang.

- Ngày 31/5/1982, Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 140/NN/TC-QĐ thành lập Trạm Thú y và Kiểm dịch động vật miền Tây Nam Bộ do Cục Thú y làm chủ quản. Trụ sở tại số 2, đường Lữ Gia, TP. Cần Thơ thuộc tỉnh Hậu Giang. Phạm vi quản lý gồm 6 tỉnh: Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và Minh Hải.

- Ngày 9/12/1982, Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 225/NN/TC-QĐ thành lập Trung tâm Chẩn đoán và Kiểm dịch động vật Cần Thơ do Cục Thú y làm chủ quản. Trụ sở tại số 2, đường Lữ Gia, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Phạm vi quản lý gồm 6 tỉnh: Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và Minh Hải.

- Ngày 12/12/1994, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm ban hành Quyết định số 1603/NN/TC-QĐ thành lập Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ thuộc Cục Thú y. Trụ sở tại số 88, đường CMT8, TP. Cần Thơ. Phạm vị hoạt động 9 tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long.

- Ngày 18/9/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 81/2006/QĐ-BNN thành lập Cơ quan Thú y vùng VII của do Cục Thú y làm chủ quản. Trụ sở tại số 88, đường CMT8, TP. Cần Thơ. Phạm vi hoạt động gồm có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: An Giang, Bạc Liêu, Tp. Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long.

- Ngày 12 tháng 5 năm 2015, Cục trưởng Cục Thú y ban hành Quyết định số 372/QĐ-TY-VP quy định Bộ máy quản lý Cơ quan Thú y Vùng VII với phạm vi hoạt động gồm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long.

- Ngày 04 tháng 10 năm 2017, Cục trưởng Cục Thú y ban hành Quyết định số 578/QĐ-TY-VP ngày 04/10/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thú y vùng VII trực thuộc Cục Thú y.

Chi cục Thú y vùng VII thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật chuyên ngành về thú y, an toàn thực phẩm động vật, sản phẩm động vật thuộc phạm vi quản lý của Cục; chẩn đoán, xét nghiệm về thú y tại vùng quản lý gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tp. Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, ngày12/02/2018 Cục Thú y ban hành Quyết định số 80/QĐ-TY-VP về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trạm Kiểm dịch động vật Sân bay Phú Quốc trực thuộc Chi cục Thú y vùng VII và Quyết định số 81/QĐ-TY-VP về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật trực thuộc Chi cục Thú y vùng VII.

II. Thông tin chung

Chi cục Thú y vùng VII thuộc Cục Thú y có cơ cấu tổ chức gồm Chi cục trưởng, 1 Phó Chi cục trưởng và 3 phòng chức năng (Phòng Tổng hợp; Phòng Dịch tễ Thú y; Phòng Kiểm dịch và Thú y cộng đồng), Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm bệnh động vật và Trạm Kiểm dịch động vật sân bay Phú Quốc.

Đơn vị hiện có tổng số 26 công chức, viên chức và người lao động, trong đó công chức 11 người, viên chức 3 người, 2 người là lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 10 người lao động theo chế độ hợp đồng.

Chi bộ Chi cục Thú y vùng VII trực thuộc Đảng ủy Khối Cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh. Tổng số đảng viên trong Chi bộ là 10 đảng viên chính thức.

Công đoàn Chi cục Thú y vùng VII với 26 công đoàn viên tham gia sinh hoạt với Công đoàn viên chức TP. Cần Thơ và Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 10 đoàn viên tham gia sinh hoạt với Đoàn Khối Cơ quan Dân chính Đảng TP. Cần Thơ.

Các nhiệm vụ chính:

- Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về thú y, an toàn thực phẩm.

- Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật (bao gồm cả thuỷ sản) tại vùng quản lý.

- Tham gia kiểm tra điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn và thuỷ sản.

- Thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, điểm thông quan hàng hoá, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, triệu hồi hoặc bị trả về theo quy định.

- Thực hiện xét nghiệm xác định bệnh động vật phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật; xét nghiệm các chỉ tiêu kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác kiểm dịch hàng hoá xuất, nhập khẩu.

- Trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ động vật xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh thú y đối với khu cách ly động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu; cơ sở giết mổ, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu và cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo phân công của Cục trưởng.

- Hướng dẫn, kiểm tra về quản lý thuốc thú y tại vùng theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu vào Việt Nam theo phân công của Cục trưởng và quy định của pháp luật.

- Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo phân công của Cục trưởng và quy định của pháp luật.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ về thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.

Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại vùng quản lý, Chi cục Thú y vùng VII đã xây dựng Trạm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật có đủ năng lực xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm trên động vật trên cạn và thuỷ sản; các chỉ tiêu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm với thông tin cụ thể như sau:

Chi cục Thú y vùng VII đã từng bước mở rộng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm của Trạm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật. Phòng thử nghiệm đã và đang ứng dụng các phương pháp xét nghiệm tiên tiến trên thế giới như: PCR, Real time PCR, Elisa trong chẩn đoán xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm quan trọng gây bệnh cho gia súc, gia cầm như Cúm gia cầm (AIV), Lở mồm long móng (FMD), Tai xanh (PRRS), Dịch tả heo cổ điển (CSF), bệnh Cúm heo (SIV), bệnh Newcastle, Gumboro,… và bệnh mới xâm nhập gây thiệt hại lớn trên heo là Dịch tả heo Châu Phi (ASF). 

Mở rộng và nâng cao nâng lực chẩn đoán xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên thủy sản như bệnh Đốm trắng (WSSV), Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), Vi bào tử trùng (EHP), Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), Đầu vàng (YHV), Hội chứng Taura (TSV), Hoại tử cơ (IMNV), Đục cơ trên tôm càng xanh (MrNV), bệnh Còi trên tôm (MBV); Hoại tử thần kinh (VNN), Xuất huyết mùa xuân trên cá (SVCV),…và các bệnh mới trên Thế giới như TiLV trên cá rô phi, bệnh do DIV1 trên Tôm.

Từ năm 2012 đến nay Phòng thử nghiệm đã thực hiện nhiều chương trình so sánh liên phòng/thử nghiệm thành thạo do các phòng thí nghiệm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho các bệnh trên động vật thủy sản do NACA kết hợp với CSIRO và ANQAP tổ chức. Các chỉ tiêu bệnh đã thực hiện là WSSV, IHHNV, YHV, TSV, IMNV, MrNV, AHPND và NNV, KHV, SVCV. Kết quả thử nghiệm là phù hợp (100%) với kết quả của phòng thử nghiệm trên thế giới.

Hiện tại Phòng thử nghiệm đã và đang thực hiện xây dựng hệ thống quản lý chất lượng Phòng thử nghiệm theo ISO/IEC17025:2017 và xây dựng hệ thống Phòng thử nghiệm đạt An toàn sinh học cấp II. Trong năm 2020 đã đăng ký, tái đánh giá chuyển đổi ISO/IEC 17025:2017 cho 55 phép thử, với gần 70 chỉ tiêu xét nghiệm chẩn đoán các bệnh động vật trên cạn, thủy sản; vệ sinh thú y; an toàn thực phẩm và được Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận hoạt động lĩnh vực thử nghiệm đối với 55 phép thử nêu trên.

Trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên người, Phòng thử nghiệm đã tiến hành thực hiện xây dựng TCCS xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 gây bệnh trên người và được Viện Pastuer Tp.HCM đánh giá, cấp giấy chứng nhận “đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật real time RT-PCR”, theo quyết định số 310/QĐ-PAS ngày 14/05/2020. Phòng thử nghiệm đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu sẳn sàng tham gia xét nghiệm bệnh.

Với năng lực hiện tại, mỗi năm Phòng thử nghiệm thực hiện xét nghiệm từ 10.000 đến 30.000 mẫu bệnh phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản và vệ sinh thú y trên nhiều nền mẫu khác nhau, với công suất thực hiện xét nghiệm được từ 200-500 mẫu trên ngày. Bên cạnh đó Phòng thử nghiệm còn ứng dụng các công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để trả lời kết quả xét nghiệm nhanh chóng, kịp thời cho khách hàng.

Trong những năm qua Trạm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật Chi cục Thú y vùng VII đã thực hiện tốt và có hiệu quả công tác chẩn đoán, xét nghiệm mẫu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật, thủy sản và kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; cung ứng dịch vụ xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu. Qua đó giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản ở các tỉnh trong vùng được tiến hành nhanh, gọn, hạn chế sự lây lan và khống chế dịch bệnh một cách hiệu quả; thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân về công tác xét nghiệm khi có yêu cầu.

Navigation Menu

Asset Publisher

Asset Publisher