Tin trong nước

null Hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025

Ngày 22/03/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị, có trên 200 đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện 63 địa phương (Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y/ Chăn nuôi và Thú y), đại diện các tổ chức quốc tế (FAO, USAID, CDC, USDA, …) và một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Chủ trì, khai mạc Hội nghị

Trên thế giới, từ năm 2003 đến nay, tổng cộng đã có 860 người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 454 người tử vong (chiếm tỷ lệ 52,8%); thêm vào đó, từ năm 2013 đến nay đã có 1.567 người nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 615 người tử vong (chiếm tỷ lệ 39%), chủ yếu tại Trung Quốc (chỉ có 1 ca được ghi nhận tại Malaysia và 2 ca tại Canada).

Tại Việt Nam, bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 lần đần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm vào cuối năm 2003. Chúng ta là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới, với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003 - 2006; trong những năm sau đó, trung bình mỗi năm phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con gia cầm. Đồng thời, từ năm 2004 - 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người tử vong (chiếm 50,4%) vì mắc bệnh Cúm A/H5N1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Phạm Văn Đông cùng chủ trì Hội nghị

Ngay từ khi phát hiện dịch Cúm gia cầm vào cuối năm 2003, toàn hệ thống chính trị cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương và cùng sự tham gia hỗ trợ rất tích cực của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nước đã tổ chức triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ở phạm vi toàn quốc; Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ký ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Kết quả, Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Cúm gia cầm, không để dịch bùng phát ra diện rộng; hiện tại dịch bệnh chỉ xảy ra ở một số đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin, với số gia cầm mắc bệnh, chết giảm dần qua các năm; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm cho người, số người mắc bệnh và số người tử vong do vi rút Cúm gia cầm giảm mạnh qua các năm; đặc biệt từ nửa cuối tháng 4 năm 2014 đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh trên người; ngành chăn nuôi gia cầm được khôi phục và tăng trưởng ổn định đến đạt trên 330 triệu con, góp phần quan trọng để xuất khẩu các sản phẩm gia cầm (thịt gà chế biến sang Nhật Bản, trứng gia cầm sang nhiều nước); giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm bệnh với số lượng lớn.

Trên cơ sở thẩm định và trình ban hành của các Bộ có liên quan, ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”, với mục tiêu chung nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh Cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của Cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; đồng thời là căn cứ để chúng ta có thể huy động các nguồn lực cần thiết và triển khai đồng bộ các nội dung của Kế hoạch.

Để thống nhất triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra, hôm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch quốc gia  phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025”, với sự tham gia của các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan, các cơ quan, tổ chức quốc tế và đặc biệt là đại diện của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại Hôi nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao sự hợp tác của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh Cúm gia cầm nói riêng; đặc biệt là sự hỗ trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực liên hiệp quốc (FAO), Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã và đang hỗ trợ tích cực cho Việt Nam về cả kỹ thuật và kinh phí trong các hoạt động giám sát và phòng, chống bệnh Cúm gia cầm./.

Danh mục chính Menu

Liên kết website

Xuất bản thông tin