Tin tức - Sự kiện

null 5 mẫu xét nghiệm tại Phú Thọ đều âm tính với virus cúm gia cầm Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tất cả 5 mẫu gộp xét nghiệm virus cúm gia cầm lấy tại Phú Thọ, đến nay đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5.

Người dân tại nơi phát sinh ca nhiễm virus A/H5 được điều tra dịch tễ. Ảnh: DAH.

Người dân tại nơi phát sinh ca nhiễm virus A/H5 được điều tra dịch tễ. Ảnh: DAH.

Trước thông tin về việc 1 cháu bé học mẫu giáo 4 tuổi tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, Phú Thọ nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5, Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng I, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, lấy mẫu gia cầm để xác định nguyên nhân.

Ông Phan Quang Minh, Trưởng Phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y cho biết, hệ thống thú y trên địa bàn Phú Thọ đã lấy 5 mẫu gộp xét nghiệm virus cúm gia cầm (gồm 1 mẫu swab gộp môi trường tại gia đình bệnh nhân và 4 mẫu swab gộp hầu họng tại 4 hộ xung quanh có nuôi gia cầm).

Các mẫu này đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H5). Đến hết ngày 21/10, Cục Thú y khẳng định: Chưa xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, Cục Thú y đã hướng dẫn địa phương tăng cường vệ sinh tiêu độc, giám sát đàn gia cầm...

"Ngày 18/10, một ngày sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo 1 ca bệnh nhi mắc cúm A/H5 tại Phú Thọ, Cục Thú y và Cục y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ. Cho đến hiện tại, chúng tôi không ghi nhận bất cứ ổ dịch cúm gia cầm nào", ông Minh nói.

Theo thông báo từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, gia đình bệnh nhi nuôi 16 con ngan, 2 con gà (nuôi từ nhỏ đến lớn). Khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có phát hiện ngan, gà, ốm chết hàng loạt không rõ nguyên. Gia đình đã mổ 3 con ngan, 2 con gà có biểu hiện ốm để ăn.

Hiện các thành viên khác trong gia đình cùng ăn gia cầm ốm chưa ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sống chưa phát hiện gia cầm, thủy cầm nào có biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống bệnh nhi 4 tuổi.

Lấy mẫu gia cầm ở hộ xung quanh hộ có người nhiễm cúm gia cầm A/H5. Ảnh: DAH.

Lấy mẫu gia cầm ở hộ xung quanh hộ có người nhiễm cúm gia cầm A/H5. Ảnh: DAH.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ cho biết thêm, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba có 6 trang trại nuôi gà, vịt, thủy cầm ở khác khu với gia đình bệnh nhi. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn bộ không ghi nhận trường hợp gia cầm ở các trang trại này ốm chết hàng loạt. Đồng thời, xã không có lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoặc chợ đầu mối, chợ gia cầm.

Kết quả giám sát lưu hành virus cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy, vào tháng 3/2022, địa bàn có lưu hành virus cúm gia cầm chủng độc lực cao. Trong đó, 2 mẫu dương tính với chủng A/H5N6 và 4 mẫu dương tính với chủng A/H5N1 tại 5 xã: Sơn Thủy, Hoàng Xá, Bảo Yên, Đồng Trung (huyện Thanh Thủy) và xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn). Toàn bộ gia cầm tại các xã trên đều đã được tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm.

Tại huyện Thanh Ba, nơi có ca bệnh nhi nhiễm virus A/H5, hiện chưa ghi nhận ổ dịch virus cúm gia cầm nào.

Hiện cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong thời gian cuối năm và Tết Nguyên đán cận kề, tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm được dự báo tăng như chu kỳ hàng năm. Nguy cơ phát sinh ổ dịch có thể xảy ra bất cứ nào.

Trước tình hình này, Cục Thú y đã trình Bộ NN-PTNT ban hành Công điện khẩn số 7061/CĐ-BNN-TY chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm. 

"Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát tốt các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như vận chuyển, tiêm phòng gia cầm, nhất là dịp cuối năm sắp tới", Trưởng Phòng Dịch tễ thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh.

Cán bộ thú y lấy mẫu môi trường tại chuồng gia cầm của hộ có người nhiễm virus A/H5. Ảnh: DAH.

Cán bộ thú y lấy mẫu môi trường tại chuồng gia cầm của hộ có người nhiễm virus A/H5. Ảnh: DAH.

Tới nay, Phú Thọ chưa ghi nhận sự lây truyền cúm A/H5 từ người sang người. Tuy nhiên, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Hệ thống thú y các cấp hiện chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện để hỗ trợ kịp thời cho địa phương khi triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch phát sinh.

Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh có một số biểu hiện như: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng... Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ lên tới 50%. Nguyên nhân bởi không có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh cho người.

Để đảm bảo sức khỏe, Phan Quang Minh khuyến cáo người dân lựa chọn gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, hoặc được cơ quan thú y địa phương kiểm nghiệm; không tham gia vận chuyển gia cầm trong thời gian dịch bệnh.