Tin tức - Sự kiện

null Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại năm 2022

Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh Dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia  và vùng lãnh thổ với 3,3 tỷ dân sống tại các vùng dịch lưu hành, chủ yếu thuộc khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Theo thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH)  và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh Dại (trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút Dại từ chó, với khoảng 50% là trẻ em dưới 15 tuổi; Số ca tử vong tập trung ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Phi (40%) và châu Á (55%) và 15 triệu người phơi nhiễm với bệnh Dại và phải đi điều trị dự phòng (trong đó 40% là trẻ em từ dưới 15 tuổi ở các nước Châu Á và Châu Phi), gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ Đô la Mỹ mỗi năm. Cũng theo WHO, nếu không được điều trị dự phòng, số người tử vong có thể lên tới hơn 330 nghìn người mỗi năm.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, số ca tử vong trên người đã giảm đáng kể (năm 2020 giảm 581 ca, tương đương 47%, so với năm 2015). Trong đó, số ca tử vong ghi nhận nhiều nhất ở Trung Quốc (chiếm 69% tổng số ca tử vong trong khu vực), tiếp đến là Philippines (24%) và Việt Nam (7%). Tại Việt Nam, theo số liệu của ngành Y tế, từ năm 2010 đến tháng 9/2022, tổng cộng có 1.066 người tử vong vì bệnh Dại (trung bình 82 người/năm) và hơn 5,5 triệu lượt người phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; gây tổn thất khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 43 người tử vong do bệnh Dại tại 17 tỉnh, thành phố.

Ngày 28/9/2022, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), WHO và các đối tác Một sức khỏe đã tổ chức “Lễ Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại năm 2022 và Hội nghị phòng, chống bệnh Dại năm 2022” với chủ đề “Bệnh Dại: Một sức khỏe, không người tử vong”.

Ngày thế giới phòng, chống bệnh Dại năm nay kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức và thực hành phòng, chống bệnh Dại, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh Dại, dựa trên nền tảng vững chắc của ngành thú y, ngành y tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Hình ảnh. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Lễ mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại năm 2022

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Bệnh Dại hoàn toàn có thể phòng được bằng sự chung tay đồng lòng của cộng đồng, đặc biệt là chủ nuôi chó, mèo; bắt đầu từ việc quản lý tốt đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đạt trên 80% tổng đàn. Bên cạnh đó, chủ động, tích cực điều trị sớm các trường hợp người không may bị chó nghi Dại cắn với phương châm: “Bệnh Dại: Một sức khoẻ, không người tử vong”.

       Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, dù triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh Dại nhưng kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, tỷ lệ số ca tử vong còn cao. Nhân dịp này, UBND tỉnh Bến Tre kêu gọi chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ phòng trào chung tay phòng, chống và loại trừ bệnh Dại, quyết liệt bằng các hành động thiết thực.

Hình ảnh. Các đại biểu ký cam kết hành động chương trình hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong vị bệnh Dại đến năm 2030

          Hướng tới mục tiêu cả nước không còn ca tử vong do bệnh Dại vào năm 2030, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương để tiếp tục thực hiện các giải pháp trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bệnh Dại và các giải pháp phòng, chống. Đồng thời tận dụng sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nước và các Tổ chức quốc tế như OIE/WOAH, WHO, FAO, CDC,…