Tin tức - Sự kiện

null Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023

Ngày 24 tháng 3 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức “Hội nghị phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ năm 2023”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long tham dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức với sự tham dự của trên 120 đại biểu đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thanh tra Bộ, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và các đơn vị trực thuộc Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II và III), thuộc UBND 28 tỉnh ven biển (Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, Trung tâm khuyến nông), đại diện một số Hiệp hội, Hội, các doanh nghiệp nuôi tôm, sản xuất tôm giống, các công ty thuốc thú y, thủy sản và đông đảo các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí.

(Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị)

Hội nghị được nghe báo cáo tham luận của Cục Thú y phân tích, đánh giá về thực trạng dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch cho tôm; báo cáo của Tổng cục Thủy sản về hiện trạng sản xuất tôm giống, nuôi tôm; báo cáo của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu về giống, dịch bệnh và các giải pháp phòng trị bệnh trên tôm.

                                                               (Các đại biểu tham dự Hội nghị)

Với hiện trạng nuôi tôm nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn, hạ tầng vùng nuôi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, môi trường ô nhiễm, người nuôi chưa ứng dụng nhiều mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tác nhân gây gây bệnh đang lưu hành rộng khắp tại các vùng nuôi, diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, việc điều trị bệnh cho tôm gặp rất nhiều thách thức, tốn kém và không hiệu quả,... đại diện các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các biện pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật phù hợp với thực tiễn để phát triển ngành tôm bền vững.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định đây là hội nghị rất quan trọng với sự có mặt của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, các đơn vị cung cấp vật tư, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm; các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thách thức và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành tôm của Việt Nam; góp phần phát triển ngành tôm bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và cạnh tranh trong thương mại quốc tế, giữ vững uy tín cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Về cơ bản, công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kiểm soát không để nhiều bệnh nguy hiểm theo danh mục của WOAH/NACA xâm nhiễm vào trong nước; thiệt hại do các bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), Đốm trắng (WSD), Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND) giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên gần đây, các bệnh phổ biến khác trên tôm như bệnh do EHP, hội chứng phân trắng, bệnh đường ruột,... kết hợp với điều kiện bất lợi của môi trường, thời tiết, quy trình chăm sóc, quản lý ao nuôi chưa bảo đảm kỹ thuật, đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, hội và doanh nghiệp về tôm, người nuôi tôm cần triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm sự tăng trưởng, phát triển của ngành tôm, cụ thể:  (i) Rà soát số liệu thực tế về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm của địa phương; đồng thời đánh giá thực trạng, nguyên nhân cụ thể và hướng dẫn áp dụng những giải pháp hạn chế thiệt hại; (ii) xây dựng và hướng dẫn cụ thể về mùa vụ nuôi, mô hình nuôi, quy trình chăm sóc và quản lý ao nuôi, quy trình xử lý ao nuôi, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của các địa phương; Tiếp tục tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi để dự báo, cảnh báo kịp thời cho người nuôi (iii) Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh ; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm; (iv) Xem xét đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học mới, tập trung vào các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường, quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh trên tôm; (v) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y, thủy sản trong sản xuất giống, kiểm dịch giống, cung ứng vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản; (vi) Các hiệp hội, hội, doanh nghiệp, người nuôi tôm chủ động áp dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y, thủy sản (sản xuất tôm giống; kiểm dịch tôm giống; buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản; giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh; xử lý ao nuôi để bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng nuôi, hạn chế ô nhiễm và làm lây lan dịch bệnh)./.